Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Lồng đèn Trung Thu

Tết Trung Thu ruớc đèn đi chơi , em rước đèn đi khắp phố phường…. Văng vẳng đâu đây bài hát Rước đèn tháng tám mà tôi đã thuộc nằm lòng ….
Kỷ niệm thời thơ ấu lại ùa vào trong tôi. Cứ mỗi mùa Trung Thu, nào là lồng đèn, nào là bánh dẻo, bánh nướng bán đầy đường. Tôi nhớ con đường Gia Long ờ Phan Thiết cứ chiều tối là giăng đèn chớp tắt sáng rực rỡ cả một con đường trông thật nhộn nhịp, thật vui.
Lúc đó tôi chừng chín tuổi, tôi dám trốn má dắt hai đứa em út mới lên sáu và lên bốn ra phố xem Trung Thu. Ba chị em tôi đứng ngơ ngẩn trước một gian hàng treo thật nhiều lồng đèn đủ màu sắc. Nhưng trong đó chúng tôi thich nhất là mấy chiếc đèn kéo quân thật đẹp ! Chi em chúng tôi ngẩn tò te đứng nhìn vừa thich thú, vừa ngạc nhiên và lạ lẫm. Mỗi khi đốt đèn lên, hơi nóng làm cho một đoàn người và ngựa làm bằng giấy chạy vòng vòng … lạ thiệt đối với ỏc non nớt của chúng tôi thời đó.
Những chiếc bánh dẻo, bánh nướng mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Bánh dẻo no tròn, trắng mịn, thêm mùi nước hoa bưởi thật quyến rũ. Bánh nướng hình con heo nhỏ, xinh xinh, nhận đậu xanh bên trong làm ba chị em tôi thèm quá ! Tôi nói với hai em : thôi mình về nói má mua lồng đèn kéo quân và bánh Trung Thu.
Nhưng khi vừa nói thì má tôi lên tiếng : bánh thì má mua cho ăn, còn đèn kéo quân mắc lắm, tốn tiền. Trời, chị em tôi thất vọng não nề, nhưng nghĩ lại má tôi nói đúng, vì chị em tôi đông quá, đâu phải chỉ mua một cái, tốn tiền là phải …
Thế là chị em tôi lại nghĩ ra cách là làm lồng đèn Trung Thu. Chuyện này thì má cho nhưng kèm theo môt câu xanh rờn : làm thì làm, cấm bày bừa bãi, cấm xả rác …. phải làm cho gọn, không thôi ăn đòn.
Chúng tôi xin tiền má mua vât dụng để làm lồng đèn : giấy bóng kính, dây kẽm, sóng lá để làm khung, keo dán, màu nước ….. Nghe lời má dặn, chị em tôi leo ra sân thượng và gom vào một chỗ bắt đầu làm lồng đèn. Năm cái đầu chụm lại , nghiên cứu cách làm. Trong đó chị Hoà tôi là khéo tay nhất, chị hướng dẫn bầy em nhỏ cách bẻ khung sóng lá để làm lồng đèn bánh ú, đèn ngôi sao năm cánh. Chị còn làm cho Huy, em trai út chiếc lồng đèn con cá, chị nói vì nó là con trai.
Làm khung xong, chị em tôi loay hoay đo, cắt giấy bóng kính cho vừa khung rồi trét keo các cạnh và dán lên. Chị Hoà còn lấy chiếc đũa bếp quấn dây kẽm chung quanh, tạo thành môt lo xo ngắn dùng để cắm đèn cầy …..
Khi những chiếc lồng đèn đã dán xong, chúng tôi lấy nước vẩy nhẹ lên mặt giấy bóng, xong đem phơi nắng để mặt giấy căng ra. Phơi xong , chúng tôi lấy cọ, pha màu nước đế vẽ lên mặt giấy bóng những bông hoa đủ màu sắc. Làm xong, đem khoe má, má cười và khen chị em tôi khéo tay. Chúng tôi mừng lắm !
Nhưng chơi mãi mấy cái lồng đèn cũng chán. Chị em tôi lại bày ra cách làm lồng đèn khác. Chúng tòi đi xin vỏ các lon Coca Cola đem về nhà rửa sạch sẽ. Khui bỏ hết một mặt lon, lấy dao thật bén để rọc xuống lon coca, mỗi thanh là 1cm, rọc hết lon, mấy chị tôi lấy hai tay ấn doc xuống lon coca để tạo hình môt chiếc lồng đèn như bông hoa nhiều cánh xòe ra, đep thật đẹp.
Hết làm lồng đèn bằng lon coca, chị em tôi lại chuyển qua làm lồng đèn con nhà nghèo hay chơi là lồng đèn bằng lon sữa bò. Chúng tôi lai lấy chỉ may đồ của má quấn hết vào giấy, lấy ra những ống chỉ bằng nhựa. Để lon sữa bò lên ống chỉ, côt chặt, và thêm một cây dài để đẩy. Khi đẩy sẽ phát ra những tiếng kêu leng keng thật vui tai.
Những chiếc lồng đèn tác phẩm của chị em tôi ra đời thật đẹp, thât rẻ. Đúng ngày rằm Trung Thu, chị em chúng tôi và đám con nít hàng xóm tụ tập lại nhà tôi để được má phát cho mỗi đứa một cái bánh dẻo, và môt cái bánh nướng nhân đậu xanh … chúng tôi tay cầm đèn, tay cầm bánh, đi khắp xóm, miệng thì hát vang : tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em ruớc đèn đi khắp phố phường … Hay bài Bóng trăng trắng ngà , có cây đa to , có thằng cuôi già ôm một mối mơ …..
Khi chúng tôi vào Sai Gòn thì nhà ai nấy sống, chúng tôi chỉ đi học về, và quanh quẩn trong nhà. Mỗi lần đến Trung Thu, nhìn thấy mấy chiếc lồng đèn thời bây giờ thật phong phú, gắn pin vào, chớp đèn và phát ra tiếng nhạc thật hay, nhưng tôi vẫn không sao quên được những kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm của tình làng, nghĩa xóm, kỷ niệm với những chiếc lồng đèn dân giã, đơn sơ, mộc mạc.
Dinh Huongfrom Dinh Hương Facebook