Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Trẻ em Việt đã từng được mang vũ khí

Trẻ em ngày xưa hay rủ nhau chơi trò bắn súng. Tiếng vũ khí bắn nhau nổ vui tai pha lẫn sợ hãi.
Đó là cái ống thụt làm bằng ống tre hoặc lồ ô, trơn láng, thân thẳng, giữa có khét một cái lỗ. Cái ti thụt thì làm bằng một đoạn gỗ hay tre được chuốt cho vừa vặn với lỗ của thân nhằm đẩy “đạn” đi. Chiều dài của ti bao giờ cũng ngắn hơn chiều dài thân ống thụt một ít. Muốn chế tạo cây súng phải hội đủ 2 yếu tố : có nguyên liệu và biết làm. Trẻ nào không thể tự làm thì đi …mua.
Đạn thì rất đa dạng phụ thuộc vào kiếm được hay không. “Sát thương” cao nhất là trái cò ke. Nghe nói trái bô đề, trái bời lời,… đều có thể làm đạn. Trẻ em ở thành thị không dễ gì có các loại đạn đó nên thường dùng giấy thấm nước và vo tròn. Có bị trúng đạn giấy cũng không đau mấy.
Nguyên lý rất đon giản : dù sử dụng “đạn” nào, đầu tiên phải nạp một viên bằng cách nhét đạn vào rồi dùng ti thụt một cái. Lúc này chưa bắn được mà chỉ nhằm đưa viên đạn đầu tiên lên phần đầu thân súng (do ti ngắn hơn thân ống). Khi nạp đạn lần sau, ti thụt sẽ tạo áp lực lên viên đạn đã nằm sẵn ở đầu ống. Thế là viên đạn được bắn ra kèm theo tiếng bụp.
Một ống thụt làm tốt, kèm với viên đạn khít khao và cách thụt dứt khoát sẽ tạo một áp lực lớn, viên đạn được bắn ra càng mạnh mà tiếng “nổ” càng vang. Khi “chiến đấu”, chú ý lắng nghe “súng thằng nào” kêu đanh là phải né vì nếu trúng đạn từ cây súng đó sẽ khá đau.
Trẻ em bây giờ chỉ chơi chiến tranh trên mạng, không còn hò hét, đuổi nhau và khóc lóc trong những ngõ hẻm nữa.
PQT6/2013