Lịch sử Vn trải dài hơn 4000 năm đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rồi sụp đổ của các triều đại. Trong một số giai đoạn, sự sụp đổ của một triều đại còn dẩn đến sự xâm lược của ngoại bang, chủ yếu đến từ phương Bắc làm hao người, tốn của sau bao năm thanh bình xây dựng. Có những triều đại không kịp phát triển, vừa mới hình thành đã mau chóng rơi vào sự suy thoái và tất nhiên sẽ có một triều đại mới nổi lên thay thế.
Các sự sụp đổ này có nhiều dấu hiệu giống nhau. Đó là tranh giành quyền lực, ăn chơi sa đọa, bòn rút của dân, ngủ quên trên chiến thắng, hèn nhát với ngoại bang.
Chúng ta hãy điểm qua một số triều đại trong Lịch sử Việt nam với trọng tâm là giai đoạn cuối của từng triều đại.
Nhà Ngô
Sau chiến thắng ở sông Bạch Đằng, năm 939 Ngô Quyền xưng vương, dựng kinh đô tại Cổ Loa. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc.
Năm 944, Tiền Ngô Vương mất, sai Dương Tam Kha giúp lập thái tử. Dương Tam Kha là anh (có sách nói là em) Dương Thái hậu cướp ngôi, tự xưng Dương Bình Vương.
Con trưởng Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương). Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền, làm con nuôi. Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không thực hiện được mệnh lệnh vì hào trưởng Nam Sách là Phạm Lệnh Công che chở cho Xương Ngập.
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn thuyết phục được 2 tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi vua. Xương Văn không giết Dương Tam Kha, giáng làm Chương Dương công.
Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập đang trốn ở Nam Sách trở về.
Ngô Xương Ngập cũng làm vua, tự xưng là Thiên Sách Vương (951-954). Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Lên ngôi vương, Ngô Xương Ngập lấn át quyền hành của Ngô Xương Văn khiến Xương Văn bất bình rút lui việc chính sự.
Nhưng chỉ được 3 năm, đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết, chỉ còn một vua Nam Tấn vương Ngô Xương Văn làm vua.
Năm 965, vị vua cuối cùng của triều Ngô là Ngô Xương Văn chết, các tướng lĩnh địa phương thi nhau cát cứ. Đất nước bị chia cắt thành 12 sứ quân.
Chấm dứt triều đại nhà Ngô.
Nhà Đinh
Năm 968, sau khi thống nhất được 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, kinh đô đóng tại Hoa Lư.
Năm 979, Đỗ Thích ám hại Đinh Tiên Hoàng cùng con là Đinh Liễn. Triều thần bắt giết Đỗ Thích, lập Đinh Toàn, 5 tuổi, lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính, quyền phụ chính được giao cho Lê Hoàn. Lúc này, nhà Tống thấy tình hình nước ta rối ren, vua còn nhỏ tuổi như vậy thì cho đó là cơ hội trời cho để thôn tính bèn giao Hồ Nhân Bảo xua quân xâm lược.
Chấm dứt triều đại nhà Đinh.
Nhà Tiền Lê
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi xưng là Đại Hành Hoàng Đế (Lê Đại Hành). Ông gấp rút tổ chức lại bộ máy hành chính, chỉnh đốn quân đội chuẩn bị nghênh chiến.
Năm 981, quân Tống ồ ạt tấn công Đại Cồ Việt theo cả hai đường thủy, bộ. Nhờ chuẩn bị tốt, và tài mưu lược. Lê Hoàn đánh bại quân Tống, giữ yên bờ cõi.
Năm 1005, Lê Hòan chết, các con của ông tranh nhau giành ngôi báu. Lê Long Đĩnh thắng lên làm vua (Lê Ngọa Triều). Ông vua này rất thích bạo lực, sa đọa và trụy lạc nên không đựơc lòng dân chúng.
Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết chấm dứt triều đại nhà Lê.
Nhà Lý
Được sự ủng hộ của nhiều người, Lý Công Uẩn tự xưng vua (Lý Thái Tổ) lập ra triều đại nhà Lý. Nhà Lý kéo dài 216 năm với 9 đời vua : Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hòang.
Năm 1226, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), cháu của Trần Thủ Độ, khi ấy cũng mới 8 tuổi. Quyền hành vẫn trong tay Trần Thủ Độ với địa vị Thái Sư. Trần Thủ Độ tìm mọi cách để “nhổ sạch rễ” họ nhà Lý, củng cố địa vị cho họ Trần. Những việc làm của Trần Thủ Độ gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị, gây nhiều bất bình trong dân chúng. Nhà Lý kết thúc ở đây.
Nhà Trần
Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm qua 12 đời vua : Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế). Triều Trần hưng thịnh nhất sau khi 3 lần đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên.
Nhưng từ đời vua Trần Dụ Tông trở đi thì nước Đại Việt đã có nhiều biểu hiện suy thoái. Vua quan bất tài, ăn chơi, sa đọa. Ngôi báu nhà Trần đã có lúc rơi vào tay ngọai tộc, giặc giã nỗi lên như nấm, các nước lân cận đều mang quân tràn sang cướp phá…Từ đời vua Trần Nghệ Tông trở đi, Hồ Quý Ly nổi lên là một nhà chính trị có tài và được trọng dụng. Nhờ đó nhân buổi rối ren, suy thoái của nhà Trần, Hồ Quý Ly đọat được ngôi báu.
Nhà Hồ
Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu, và tiến hành nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó có việc đổi tiền đồng sang tiền giấy “thông bảo hội sao”. Tuy nhiên không phải cuộc cải cách nào cũng được lòng dân chúng.
Năm 1406, nhà nước phong kiến bên Trung Quốc lúc này là nhà Minh đem quân xâm lược. Quân quan nhà Hồ chống cự quyết liệt nhưng vì Đại Ngu lúc đó chưa ổn định, nhà Hồ chưa được dân chúng ủng hộ,… nên cuối cùng quân Minh đập tan sức kháng cự của quân Hồ.
Nhà Hậu Lê
Sau khi đại thắng quân Minh, năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long) khôi phục tên nước Đại Việt mở đầu triều đại nhà Lê. (Gọi là nhà hậu Lê để phân biệt với nhà tiền Lê của Lê Đại Hành trước kia).
Nhà hậu Lê phát triển ổn định và đại nhiều thành tựu lớn trong xây dựng đất nước qua năm đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Đến đời vua Lê Uy Mục thì bắt đầu xuống dốc, sinh nội loạn. Mạc Đăng Dung dẹp được nội loạn, mưu toan chiếm ngôi nhà Lê
Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua cho mình. Nhà Mạc thành hình. Nhưng khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung lại hèn với nhà Minh, tự trói mình, lên cửa ải xin hàng, nhận tấn phong của Minh Triều chức An Nam Đô Thống, để mong giữ yên bờ cỏi. Nhân dân và nhiều quan lại phẫn nộ.
Nhà Hậu Lê tuy còn nhưng thực chất đã không kiểm soát và điều hành đất nước.
Nhà Tây Sơn
Chúa Trịnh. Sự suy thoái cuối triều Lê, dẫn đến thời Mạc trở thành lệ thuộc nhà Minh trong quan hệ bang giao, nhà Lê còn tồn tại một thế lực tiếp tục chống Mạc, do võ tướng Nguyễn Kim phò tá. Kim chết, rể là Trịnh Kiểm lên thay, dần hồi tiếm quyền, một mặt mưu ám hại con cái Nguyễn Kim, một mặt lợi dụng danh nghĩa phò Lê, diệt Mạc.Trịnh diệt được Mạc, lập nên Phủ Chúa, điều khiển quốc gia dưới danh ảo Vua Lê.
Chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim, sợ anh rễ ám hại, lập kế xin trấn giữ phương Nam, dần hồi thoát được sự kèm chế của Trịnh, lập nên chính quyền phương Nam.
Từ đó đất nước chia hai miền Nam, Bắc. Chúa Nguyễn trong Nam còn gọi là Đàng Trong, chúa Trịnh phía bắc còn gọi là Đàng Ngoài. Phía Nam có công mở mang bờ cỏi. Phía Bắc, dù vẫn suy thoái nhưng giữ được biên cương, chưa bị xâm lăng, vì lúc nầy Nhà Minh (Tàu) đang suy thoái, bị chìm đắm trong nội chiến, bởi bộ tộc Mãn nổi lên chống phá, nên sức chưa đủ mạnh để dòm ngó phương Nam.
Năm 1771, xuất hiện một lực lượng mới, do anh em hào kiệt Nguyễn Huệ cầm đầu, dẹp sạch Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, cả vua Lê chúa Trịnh. Nguyễn Huệ lên ngôi vua hiệu là Quang Trung.
Vua Quang Trung mất, con trai là Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh, khiến nhà Tây Sơn rơi vào thế suy yếu vì không có người cầm trịch; nội bộ xảy ra tranh chấp, ngoại thích lộng quyền, quyền lực tập trung vào Bùi Đắc Tuyên. Sự tranh quyền đoạt lợi trong nội bộ Tây Sơn quyết liệt đến mức vợ vua Quang Trung là Hoàng hậu Lê Ngọc Hân phải đem con trốn ra ngoài ở với dân chúng (và mất vào tháng 11/1799).
Nội bộ Tây Sơn ngày càng thể hiện sự mâu thuẫn, khi vào tháng 6/1795 tướng Vũ Văn Dũng giết Thái sư Bùi Đắc Tuyên, rồi phái Hộ giá Nguyễn Văn Huấn đem quân vào Quy Nhơn giành binh quyền của Lê Trung và Trần Quang Diệu. Lúc này Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh ở Diên Khánh, nghe tin bị nghi oan, đành rút quân về.
Biến loạn nội bộ tạm thời qua đi nhưng chính quyền Tây Sơn ngày càng suy yếu, nghi kị lẫn nhau, khiến một bộ phận tướng lĩnh bất mãn bỏ sang theo Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh nhân cơ đó ra sức mở cuộc tấn công quân Tây Sơn ở nhiều nơi.
Tháng 12/1798, Quang Bảo là con của Nguyễn Nhạc đánh chiếm thành Quy Nhơn, viết thư hàng Nguyễn Ánh. Vua Quang Toản cho người giết chết anh họ, sát hại cả Trấn thủ Lê Trung và Thiếu bảo Nguyễn Đình Huấn. Quan lại trong triều càng chia phe phái chống đối nhau kịch liệt.
Tận dụng cơ hội Tây Sơn chia rẽ nội bộ, tháng 5/1799 Nguyễn Ánh mang đại binh đánh Quy Nhơn lần thứ ba. Lê Chất đem một toán quân ra đầu hàng, thành Quy Nhơn bị vây khốn, các đạo quân ứng cứu của Tây Sơn bị đánh chặn ở Quảng Ngãi, nên tháng 7/1799 Trấn thủ Lê Văn Thanh cũng đem hơn 1 vạn quân và thành Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Ánh.
Tháng 12/1801, từ đất Bắc vua Quang Toản cùng Quang Thuỳ chỉ huy 3 vạn quân tấn công vào phía nam. Đến tháng 2/1802, Quang Toản vượt qua được sông Gianh, nhưng lại thất trận nặng nề ở cửa Nhật Lệ, quân đội tan vỡ, phải thua chạy ra Bắc, sự sụp đổ của nhà Tây Sơn gần kề.
Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), quân Nguyễn lần lượt đánh chiếm Hoành Sơn, Nghệ An, Thanh Hoa, Thăng Long. Trần Quang Diệu dù đã chiếm lại thành Quy Nhơn đầu năm 1802 vẫn phải bỏ thành đem quân ra ứng cứu. Tại Nghệ An, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân cùng nhiều tướng lĩnh Tây Sơn bị bắt; Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Duy, Nguyễn Quang Thiệu bỏ thành Thăng Long chạy lên Kinh Bắc rồi cũng bị bắt. Triều Tây Sơn chính thức sụp đổ.
PQT
9/2012
9/2012