Đại học Fulbright Việt nam (FUV – Fulbright University Vietnam) đã được thành lập và sắp đi vào hoạt động.
![](https://i0.wp.com/i279.photobucket.com/albums/kk134/pqthanh/PQT_Wordpress/fulbright-scholar-program_zpsqajwxxgg.jpg)
Lịch sử hình thành
Chương trình Fulbright (The Fulbright Program) được sáng lập bởi Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ William Fulbright vào năm 1946. Đây là chương trình mang tính cạnh tranh, có học bổng cấp cho học sinh, sinh viên, học giả các nước. Số lượng học bổng Fulbright hàng năm vào khoảng 8000. Thống kê đến năm 2014, đã có 54 cựu sinh viên của 14 quốc gia từng hưởng học bổng Fulbright đã đoạt giải Nobel.
Tại Vn, Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright (FETP – Fulbright Economics Teaching Program) được thành lập từ năm 1994. Tham gia giảng dạy tại FETP là sự phối hợp giữa Trường Đại học Kinh tế tp và Trường Harvard Kennedy. FETP chỉ có 2 chương trình đào tạo là Chương trình Thạc sĩ Chính sách công kéo dài hai năm và Chương trình một năm về Chính sách công.
Sau 20 năm hoạt động, FETP được đa dạng hóa ngành đào tạo và cấp độ đào tạo bởi việc ra đời FUV. Sau khi FUV đi vào hoạt động thì FETP sẽ chuyển thành một trường thành viên trong FUV mang tên là Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright với đối tác học thuật vẫn là Trường Harvard Kennedy.
FUV
FUV là trường đại học tư thục có 100% vốn nước ngoài. Là đại học tư thục nhưng FUV không có cổ đông nên FUV tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận. Lợi nhuận nế có được sẽ dùng để tái đầu tư.
FUV sẽ có ba trường thành viên
- Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright (Fulbright School of Public Policy and Management) đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lý chính sách.
- Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Fulbright (Fulbright School of Engineering and Applied Sciences) đào tạo cử nhân 4 năm và sau đại học 2 năm trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính.
- Cao đẳng Fulbright (Fulbright College) đào tạo cử nhân 4 năm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Một phương châm của FUV là “Không nên để sự lựa chọn ban đầu của tuổi 18 bị bó buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc” nên sinh viên của FUV có cơ hội lựa chọn ngành học lần hai sau khi đã vào học, được chuyển ngành hoặc học thêm song song một ngành đào tạo nữa.
Nguồn tài chánh
Có sự khác biệt lớn giữa FUV với các đại học khác có yếu tố nước ngoài.
Các Đại Học Việt-Pháp, Việt-Đức, Việt-Nhật hoạt động trên nguồn tài trợ từ chính phủ Việt Nam và chính phủ của các nước đối tác, trong khi FUV dựa trên một quĩ phi lợi nhuận đầu tư của Mỹ. Còn Đại Học RMIT là chi nhánh tại Vn Đại học RMIT đặt tại Melbourne.
FUV không phải là sự hợp tác giữa hai chính phủ Vn và Hoa Kỳ nên không có sự hỗ trợ thường xuyên. Trong giai đoạn đầu thành lập, Vn hỗ trợ quỹ đất 25 hecta ở Khu Công nghệ cao Quận 9 và Mỹ hỗ trợ 20 triệu USD. Không có một hứa hẹn hỗ trợ cụ thể gì tiếp theo.
Nguồn hoạt động cho FUV sẽ dựa trên :
- Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV – Trust for University Innovation in Vietnam). TUIV là một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts.
- Học phí
- Tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Vì thế, tính bền vững của FUV phụ thuộc vào khả năng thu hút người học. Nói nôm na là nếu không đủ số sinh viên ở mức tối thiểu kéo dài trong một số năm thì FUV có nguy cơ phải đóng cửa.
Tuyển sinh
FUV thực hiện việc xét tuyển dựa trên điểm trung bình các môn học (GPA) và phỏng vấn. FUV sẽ tuyển sinh theo phong cách Mỹ nghĩa là không chỉ căn cứ vào kết quả học tập mà còn đánh giá trình độ tiếng Anh, năng lực cá nhân, hoạt động xã hội, năng khiếu, sở thích qua phỏng vấn.
Ngôn ngữ giảng dạy tại FUV là tiếng Anh. Nếu tiếng Anh chưa đạt, FUV sẽ có các chương trình đào tạo tiếng Anh đầu vào ba tháng hoặc sáu tháng. Có lẽ FUV sẽ phải “nhượng bộ” để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm vì với cách dạy học bây giờ học sinh Vn không mạnh về ngoại ngữ ?
Năm 2016, tuyển khoảng 100 sinh viên cho Chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công kéo dài hai năm, tiếp nối các chương trình do FETP đang thực hiện.
Năm 2017, tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân ở hai trường thành viên là Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Fulbright và Cao đẳng Fulbright.
Học bổng
Các trường đại học của Mỹ thường có học bổng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Riêng FUV những năm đầu sẽ chưa thực hiện vì nguồn đóng góp, tài trợ cho nội dung này chưa có. Riêng các chương trình của FETP trước đây bây giờ chuyển giao cho FUV vẫn có học bổng.
Những điểm chưa rõ
Điểm nổi bật của FUV là được quyền tự chủ về chương trình giáo dục nhưng giấy phép của FUV có ghi rõ “chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Về phía người quản lý hiện chưa rõ được tự chủ đến đâu. Chủ động tuyển sinh hay chung đợt tuyển sinh với các đại học khác ? học phí tự xây dựng hay theo khung đã có sẵn ?
Về phía sinh viên, có phải học những môn bắt buộc như ở các đại học Vn khác không ?
oOo
Fulbright và Havard là những danh tiếng về đào tạo mà các sinh viên và nhà tuyển dụng đều biết. Đặc biệt là nguồn lực các giáo sư, tài liệu giảng dạy, phong cách quản lý, phương pháp giảng dạy được chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định made in USA nên chắc chắn FUV trong thời gian tới sẽ “hút hàng”.
PQT
Ps : bài này có thể có những điểm không chính xác do hiểu sai nguồn thông tin.